CƠM NHÀ – TIẾNG GỌI MỘC MẠC MÀ MANG ĐẦY VỊ CẢM

31/10/2019
TIN THỊ TRƯỜNG
Văn hóa ẩm thực của ông bà ta để lại với những nét đặc trưng riêng biệt từng vùng miền, nhưng điểm chung của mọi gia đình Việt từ Bắc chí Nam, một sợi dây gắn kết tinh thần của mọi thành viên chính là bữa cơm nhà truyền thống. Mâm cơm đầy đủ hương vị từ lâu đã trở thành đời sống tinh thần mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là cuộc sống bận rộn, những món ăn đa dạng nền văn hóa cùng với sự hội nhập ẩm thực đã khiến những khoảnh khắc đoàn tụ ấy trở nên nhạt màu.

Để tiết kiệm thời gian, cũng như tận hưởng được không khí của phố phường, chúng ta thường dành những bữa tối trong nhà hàng sang trọng đầy đủ các món Á, Âu hay ghé ngang những cửa hàng thức ăn nhanh mà lấy vội những chiếc bánh pizza, hamburger để lót dạ. Dần dà, những bữa cơm gia đình đơn giản lại trở nên quý giá đối với những con người bận rộn ngoài kia. Đôi khi thèm lắm cái cảm giác cả nhà quây quần, mọi người gọi nhau í ới, người này đợi người kia, đủ mặt cả nhà thì mâm cơm mới bắt đầu. Và tiếng gọi “cơm nhà” mộc mạc lại trở nên quá đỗi thân thương, làm nao lòng của những người con xa.
Không giống như văn hóa phương Tây đi cùng chủ nghĩa các nhân, ai cũng đều có công việc, cuộc sống riêng nên bữa cơm gia đình trở nên nhạt nhòa trong ẩm thực của họ. Và dù có đi chăng nữa, trên bàn ăn sẽ có sự phân chia riêng biệt của mỗi người một đĩa chứ không ăn cùng nhau như người Việt. Sau một ngày bận rộn, khoảnh khắc ai cũng mong chờ là lúc cùng nhau tụ họp dưới mái nhà bên cạnh mâm cơm gia đình. Đấy là khi mà người cha, người con được dịp thưởng thức những món ăn do mẹ tự tay chuẩn bị với tất cả niềm yêu thương. Và những câu chuyện đời thường của mỗi thành viên cũng được san sẻ cùng nhau. Bữa cơm như một sợi chỉ hồng vô hình đã gắn kết tình cảm gia đình người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dường như, nó đã làm xua đi cái mệt mỏi, căng thẳng mà ngoài kia để giờ đây, họ thưởng thức món ăn với sự thanh thản và ấm cúng.

Không phải là những món “cao lương mĩ vị”, bữa cơm truyền thống của người Việt là sự hài hòa hương vị của cơm – cá – rau, biểu tượng giao hòa của đất trời hợp nhất. Dân ta bao giờ cũng cởi mở, phóng khoáng. Trong mâm cơm gia đình, tất cả các món phải được dọn lên cùng lúc: nào là thịt kho đậm đà, mà là tô canh mát lành, rồi đến dĩa rau luộc thanh đạm và chẳng thể bỏ qua chén nước mắm thơm lừng vị quê. Và điều đặc biệt quan trọng, bữa ăn sẽ không thể nào hoàn tất nếu thiếu đi cơm trắng, thứ cơm được nấu từ gạo tẻ ngon ngọt, thoang thoảng hương vị dân dã của đồng lúa. Người Việt không thưởng thức từng món ăn riêng biệt mà tìm kiếm sự kết hợp hài hòa, tinh tế trong một mâm cơm đầy đủ hương vị là như vậy đó.
Trên một mâm cơm, dường như người phụ nữ dung hòa tất cả vị đặc trưng của các nguyên liệu nhà bếp thật “vừa vặn”. Mỗi món ăn đều có vị ngọt thơm của đường, dằn một chút mặn của muối, và tùy món mà kết hợp với củ hành, củ tỏi them kích thích mùi hương.
“Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm”: Câu tục ngữ như là minh chứng cho sự thêm thắt gia vị vào mỗi món ăn. Người Việt ta rất khéo léo, luôn biết cách dung hòa những nguyên liệu sao cho hợp lý, đồng nhất để tạo ra những món ăn hoàn hảo nhất. Đa dạng về món ăn, hương vị là thế, mâm cơm Việt lại còn độc đáo, tinh túy trong cách sắp xếp, bày biện. Bàn ăn phải trải đầy đủ các tầng mùi vị, những chén cơm của mỗi thành viên xới vung một cách hào phóng và quây quần xung quanh to canh, thố đồ kho chén nước chấm ở giữa. Nhìn sự sung túc, đầm ấm của bữa ăn, mấy ai mà không chực trào niềm hạnh phúc.

Bởi mới nói, dù có hòa nhập cùng những bữa ăn món ngoại sành điệu nhưng trong tiềm thức của mỗi người Việt đều vẫn đong đầy cảm xúc bên những bữa cơm nhà ngon lành. Một mâm cơm và sự quay quần cả nhà chính là món quà quý giá nhất đền đáp sau một ngày làm việc căng thẳng. Cái chúng ta được thưởng thức không chỉ là hương vị món ăn mà còn là cái không khí đầm ấm và gần gũi chẳng nhà hàng sang trọng nào có thể đáp ứng được. Và những người con đi học, đi làm xa hiếm có cơ hội về nhà thì đó lại trở thành một nỗi nhớ vấn vương, thôi thúc họ hướng về gia đình.
Đâu đấy cần lắm những không gian mở mang lại cho thực khách một hương vị đúng chất “cơm nhà” để thỏa mãn cảm xúc của họ.
Sưu tầm

Facebook